Alien: Romulus không mang tính đột phá gì, tuy nhiên vẫn là bộ phim hay nhất của thương hiệu này trong gần 40 năm qua.
Alien (1979) và Aliens (1986) đến nay vẫn được coi là 2 bộ phim kinh dị cũng như khoa học viễn tưởng hay và quan trọng nhất mọi thời đại, khi mà không chỉ có chất lượng cùng giá trị nội dung vượt thời gian mà còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến tận bây giờ đối với nhiều sản phẩm giải trí lớn nhỏ khác, dù là phim hay game. Tuy nhiên thương hiệu Alien thay vì tiếp tục phát triển lâu dài thì kể từ nỗi thất vọng Alien 3 (1992) cho đến nay, loạt phim này liên tục đi xuống về chất lượng và gây thêm nhiều thất vọng khác, cả với loạt phim crossover AVP. Thậm chí sự trở lại của Ridley Scott, đạo diễn huyền thoại đứng sau thành công của Alien (1979) cũng không cải thiện bao nhiêu khi Prometheus (2012) và Alien: Covenant (2017) đều bị khán giả đón nhận thiếu tích cực.
Với việc Disney chính thức mua lại Fox và sở hữu các thương hiệu Alien cũng như Predator, người ta lại càng tỏ ra bi quan cho 2 thương hiệu kinh dị viễn tưởng kinh điển này, cũng phải thôi khi chúng nổi tiếng về độ bạo lực, máu me và người lớn, điều mà Disney cực kì hạn chế. Và quan ngại lại có thêm cơ sở khi Nhà Chuột cho hủy hết các dự án mới của chúng (bao gồm dự án Alien 5 và phần sau của Alien Covenant) sau khi sáp nhập thành công với Fox để thay bằng các dự mới do hãng chỉ đạo. Tuy nhiên thành công bất ngờ của Prey hồi 2022 khi được coi là phim Predator hay nhất kể phần 1 năm 1987 khiến cho người ta lại có kì vọng đáng kể cho dự án Alien Romulus trong năm nay, đặc biệt là sau các trailer cực kì ấn tượng của phim cũng như được chính Ridley Scott hỗ trợ sản xuất cũng như do Fede Álvarez, một nhà làm phim kinh dị có tiếng trực tiếp thực hiện.
Và ngày 16/8 vừa qua khi phim được công chiếu tại Việt Nam, Gamelade đã trực tiếp trải nghiệm Romulus và công bằng mà nói, phim dù không quá xuất sắc nhưng đã thành công trong việc mở ra tương lai hứa hẹn hơn cho thương hiệu này. Thậm chí sẽ không phải là nói quá khi đây là phim Alien hay nhất kể từ Aliens (1986).
Đầu tiên cần phải đặc biệt kể đến mảng hình ảnh và nghe nhìn vô cùng ấn tượng của Alien: Romulus. Phim có chất lượng và hiệu ứng hình ảnh âm thanh rất đã mắt và đã tai, cho thấy mức độ đầu tư kì công của phim, dù là CGI hay hiệu ứng thủ công thì cũng đều được thực hiện rất chuyên nghiệp, dù cho có thể không mang tính cách mạng hóa và thay đổi kĩ thuật làm phim như 2 phim Alien đầu tiên. Và với production value cao đến vậy, bộ phim này nghe và nhìn tốt hơn nhiều so với đa số các phim siêu bom tấn kinh phí 200 triệu USD trở lên trong những năm qua, và cần phải nhớ rằng phim có kinh phí chỉ vỏn vẹn 80 triệu USD. Ban đầu thậm chí Disney chỉ định cho phim lên sóng Hulu mà thôi và sau đó mới cho phim chiếu rạp bởi ấn tượng với chất lượng của nó. Theo tôi thì đây là điều đáng học hỏi bởi các phim khác khi giờ đây kinh phí sản xuất liên tục bị thổi phồng đến vô lý và chất lượng phim không hề xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Về mặt nội dung thì cũng phải nói luôn rằng nó cũng không hề mang tính cách mạng hóa gì so với những phim Alien trước đây. Thậm chí phim không ngại cóp nhặt chi tiết nội dung của Alien, Aliens, Alien: Resurrection, Prometheus cũng như cả tựa game Alien: Isolation để kết hợp lại với nhau. Vậy nên phim sẽ có cảm giác cực kì quen thuộc chứ không mới lạ và độc đáo như dòng phim nay vốn có sau mỗi phiên bản. Nhìn chung nội dung của phim là khá an toàn và có phần rập khuôn để đảm bảo thỏa mãn khán giả, đặc biệt là các fan. Thậm chí yêu tố fan service có thể sẽ hơi quá bị lạm dụng và khiến nhiều người khó chịu. Nhiều người chắn chắn sẽ không thích việc các câu thoại hay chi tiết của các phim trước đây được sử dụng lại cũng như thậm chí sẽ so sánh phim với Star Wars: The Force Awakens theo hướng tiêu cực bởi cách nó reboot loạt phim Star Wars. Vậy nhưng đây vẫn chắc chắn là 1 phim chất lượng và đáng xem.
Thêm vào đó dù đa phần dựa trên các phim cũ, Romulus vẫn có bản sắc riêng để giúp nó tự mình đứng bên các bản phim khác nhờ các chi tiết và cảnh quay khá là sáng tạo. Theo đó thì nội dung phim mở rộng việc khai thác chủ đề về sự lạm dụng quyền lực của các tập đoàn để chạy theo lợi nhuận với bối cảnh đậm chất cyberpunk, đó là Jackson’s Star vốn là một hành tinh thuộc địa nơi người dân bị bóc lột sức khỏe để khai thách mỏ cho Weyland-Yutani. Các nhân vật chính vốn chỉ là các thanh thiếu niên đều tuyệt vọng đến mức phải tìm cách đột nhập một trạm không gian bị bỏ hoang một cách bí ẩn của tập đoàn này để tìm cơ hội thoát khi hành tinh nô lệ họ đang ở. Phim cũng tập trong khai thác mối quan hệ giữa con người và người máy android khi 2 nhân vật chính là nữ thợ mỏ Rain và người em trai kết nghĩa Andy vốn là một android của tập đoàn. Đây đồng thời cũng là 2 nhân vật tốt nhất của bộ phim và mối quan hệ của họ là tiêu điểm chính của phim này khi tạo ra nhiều tình tiết đáng nhớ cũng như khiến khán giả có thể suy ngẫm về mối quan hệ giữa người và máy.
Một yếu tố độc đáo mới mẻ khác của phim đó là việc tập trung nhấn mạnh các Facehugger là mối đe dọa chính hơn là chỉ Xenomorph như các phim trước đây. Cũng bởi vậy mà thời lượng xuất hiện của Facehugger cao hơn và tạo ra các trường đoạn cực kì căng thẳng đáng sợ. Yếu tố kinh dị của phim cũng khá đạt khi phim tập trung tạo bầu không khí cực kì ngột ngạt và khiến người xem phải nín thở với không ít trường đoạn. Các trường đoạn kinh dị hay hành động của phim cũng cố gắng trở nên mới mẻ hơn thay vì chỉ cố bắt chước các phim cũ, và đa phần khá thành công ở mức độ nào đó. Vậy nên khán giả có thể yên tâm rằng dù phim khá trung thành với các phim trước đó, nó không hề bắt chước y nguyên và nhái lại các phim cũ.
Nhìn chung thì khán giả, đặc biệt là các fan không nên quá mong đợi vào một phần phim mới mang tính mới lạ và đột phá như trước đây. Alien: Romulus dù sao vẫn là một bộ phim mang tính giải trí tốt và sẽ có nhiều thứ để nhớ về nó sau khi xem xong. Đồng thời phim hiện cũng đã thành công đáng kể về mặt thương mại, bởi vậy mà tương lai của thương hiệu Alien đang rộng mở và chúng ta có quyền kì vọng nhiều hơn nữa ở các phần phim sau này.