Site icon GAMELADE

Ván bài quyền lực giữa Guillemot và Tencent trong thương vụ thâu tóm Ubisoft

Tương lai của Ubisoft ngày càng bấp bênh khi các cổ đông đang gây áp lực buộc gia tộc Guillemot phải nhượng bộ trong thương vụ mua lại công ty.

Theo tin từ Reuters, các cổ đông của Ubisoft đang tìm cách thúc đẩy một thương vụ mua lại công ty, nhưng vấn đề nằm ở việc ai sẽ nắm quyền kiểm soát sau khi thương vụ hoàn tất. Guillemot Family, những người sáng lập Ubisoft vào năm 1986, muốn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo, trong khi Tencent, cổ đông lớn thứ hai của Ubisoft, lại muốn có tiếng nói lớn hơn trong việc điều hành công ty.

Tình thế của Ubisoft hiện tại quả thực rất éo le. Chỉ mới vài năm trước, họ đã phải dốc toàn lực để chống lại kẻ khổng lồ Vivendi, để bảo vệ sự độc lập của mình. Yves Guillemot, CEO của Ubisoft, từng đầy kiên định khẳng định sẽ không bao giờ bán công ty. Nhưng giờ đây, trước những khó khăn chồng chất, Ubisoft lại đang tìm cách bán mình cho Tencent.

Ubisoft đang trải qua một giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của mình. Hàng loạt dự án game gặp trục trặc, từ việc Star Wars Outlaws có doanh số thấp không phanh cho đến Assassin’s Creed Shadows bị delay vào phút chót. Những cú vấp này khiến hình ảnh của Ubisoft bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây thất vọng lớn cho người hâm mộ.

Và mới đây, quyết định hủy bỏ XDefiant, tựa game được kỳ vọng sẽ soán ngôi Call of Duty, càng khiến tình hình thêm phần bi đát. Chỉ 3 tháng trước, nhà sản xuất điều hành của XDefiant còn tự tin tuyên bố rằng dự án đang tiến triển tốt. Vậy mà giờ đây, Ubisoft lại quay xe một cách phũ phàng, khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Việc hủy bỏ XDefiant cũng kéo theo hệ lụy là 277 nhân viên bị mất việc và hai studio phát triển phải đóng cửa. Đây là một tổn thất lớn cho Ubisoft, cả về nhân lực lẫn tài chính.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn hiện tại của Ubisoft. Một số chuyên gia cho rằng Ubisoft đang lạc lối trong chiến lược phát triển sản phẩm của mình. Họ quá tập trung vào những tựa game thế giới mở với công thức lặp đi lặp lại, khiến người chơi cảm thấy nhàm chán. Ngoài ra, việc quản lý kém hiệu quả và văn hóa công ty độc hại cũng góp phần khiến Ubisoft mất dần sức hút.

Giá cổ phiếu của Ubisoft cũng đã giảm mạnh trong những năm gần đây, từ mức cao hơn 85 USD vào đầu năm 2021 xuống chỉ còn hơn 13 USD hiện nay. Áp lực từ các cổ đông đang ngày càng tăng, buộc Guillemot Family phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Nếu họ không chủ động hành động, có thể họ sẽ mất đi quyền kiểm soát Ubisoft vào tay những người khác.

Trước những khó khăn chồng chất, việc bán công ty cho Tencent có thể là một giải pháp để cứu vãn Ubisoft. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Guillemot Family sẽ mất đi quyền kiểm soát đối với đứa con tinh thần của mình. Liệu họ có chấp nhận hy sinh để cứu lấy Ubisoft, hay sẽ tiếp tục chiến đấu để bảo vệ sự độc lập của công ty?

Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng tương lai của Ubisoft đang ở trên bờ vực thẳm. Và những quyết định trong thời gian tới sẽ quyết định số phận của một trong những hãng game lớn nhất thế giới.

Exit mobile version