10 năm về trước, thời điểm đánh dấu sự xuống dốc của Ubisoft
-
18/12/2024
- PlayStation
Nếu bạn còn nhớ năm 2014, hẳn bạn sẽ còn nhớ Ubisoft đã dần sa ngã như thế nào để rồi sắp sụp đổ như hiện nay.
-
Giám đốc Persona lý giải tại sao nhân vật chính thường sẽ là nam giới độ tuổi học sinh
-
Tekken 8: Bản cập nhật tháng 12/2024 chính thức ra mắt
Trong suốt gần 20 năm làm game thủ, tôi đã chứng kiến nhiều hãng game lớn nhỏ sụp đổ. Nếu bạn là game thủ offline những năm 2000 và 2010 thì hẳn vẫn còn nhớ đến THQ (Saints Row, Darksiders. Red Faction, Metro) và Midway Games (Mortal Kombat) , 2 nhà phát hành game lớn bậc nhất thời bấy giờ đã phá sản và phải bán các thương hiệu đình đám của mình. Hay như Sierra Entertainment, nhà phát hành của Half-Life, FEAR, World in Conflict,… bị Vivendi rao bán và sáp nhập vào Activision Blizzard. Điều này để lại không ít tiếc nuối cho cộng đồng.
Giờ đây trong năm 2024 này, một hãng game lớn và lâu năm khác đang đối mặt với nguy cơ phá sản, đó là Ubisoft khi tình hình tài chính của công ty này đang không thể tồi tệ hơn. Điều nực cười ở đây đó là không như các nhà phát hành trước đó vốn để lại tiếc nuối với sự ra đi của họ, cộng đồng hiện đang rất hả hê và thực sự mong chờ sự sụp đổ của hãng game Pháp này. Và công bằng mà nói thì không thiếu lí do để giải thích cho điều này, thậm chí chính Ubi cũng đang liên tục tạo thêm lí do mới để cộng đồng cầu mong sự sụp đổ của công ty hơn cả EA.
Thay vì giải thích cho lí do tại sao Ubisoft đang ở bên bờ vực, tôi lại muốn nhìn lại thời kì mà hẳn nhiều người đã lãng quên về hãng. Đó là hơn 10 năm trước, cụ thể là từ 2013 ngược trở lại, khi mà Ubisoft vẫn là một trong những hãng game uy tín và được yêu mến nhất trên thị trường.
Theo đó nếu bạn là game thủ những năm 2000, Ubisoft là một hãng game lúc đó còn tương đối non trẻ và nhìn chung là mới nổi. Thậm chí đến đầu những năm 2010, hãng cũng chưa phải là tập đoạn tỉ đô như EA hay Activision. Thời kì này Ubi cũng vẫn đảm nhận việc port game PS2 lên PC, điển hình các bản port của Devil May Cry 3 và Resident Evil 4 cho Capcom, mỉa mai thay đều là những bản port tệ nhất mọi thời đại.
Vậy nhưng khả năng phát triển, chất lượng game và độ uy tín của hãng thời điểm đó là không thể chối cãi. Các dòng game như Beyond Good and Evil, Rayman, Prince of Persia, Splinter Cell, Ghost Recon, Rainbow Six,… đều đang trên đỉnh cao với các đánh giá vô cùng xuất sắc từ cả giới chuyên môn và game thủ. Thậm chí game King Kong dựa theo phim cùng tên hồi năm 2005 cũng xuất sắc đến bất ngờ và vẫn còn ảnh hưởng đến bây giờ. Bởi vậy mà cứ mua game do Ubisoft phát triển là đảm bảo game thủ sẽ nhận được một sản phẩm chất lượng.
Và rồi Ubi thực sự đỉnh cao với việc Assassin’s Creed ra mắt vào năm 2007. Dù còn rất nhiều bất cập khiến game không thể xuất sắc được như mong đợi, vậy nhưng game AC đầu tiên này thực sự là một cách mạng về gameplay và thiết kế khi chưa từng có một cái gì tương tự nó trước đó. Nó thực sự thay đổi căn bản cấu trúc một game thế giới mở, điều mà trước đó GTA vẫn đang là bản mẫu phổ biến nhất. Với thành công rực rỡ ngoài sức tưởng tượng của phần 1, Ubisoft nhanh chóng bắt tay vào triển khai các game AC tiếp theo với nhiều cải tiến và đổi mới cho công thức thế giới mở mới này.
Thời điểm đó, các game do Ubi thực hiện và phát hành vẫn rất đa dạng về thể loại cũng như nội dung, hãng vẫn có nhiều ý tưởng độc đáo mới lạ cũng nhiều dự án cực tham vọng. Vậy nhưng với việc dòng game AC vẫn tiếp tục là những game thành công nhất lịch sử của hãng dù ra mắt hàng năm, rõ ràng hãng cũng nhận ra được rằng có thể tận dụng công thức AC cho các sản phẩm khác. Và dù Far Cry 2 dù hiện tại rất được cộng đồng đánh giá rất cao, thời điểm ra mắt cho tính chân thực quá cao cũng nhiều vấn đề khác mà người ta cho rằng trải nghiệm của phần 2 không được như ý cho lắm. Sang đến Far Cry 3, Ubi đã áp dụng thành công công thức game thế giới mở của AC cho dòng game FPS, điều đó cho thấy công thức game AC/Far Cry mà giờ đây được gọi chung là công thức game thế giới mở của Ubisoft có thể hiệu quả đến mức nào.
Khép lại năm 2013 trên của tuyệt vời với AC4 Black Flag, Splinter Cell: Blacklist, Far Cry 3 Blood Dragon, Rayman Legends,… cộng đồng game thủ bao gồm cả người viết đều cực kì hào hứng với năm 2014 khi Ubisoft hứa hẹn vô số các game đỉnh cực kì đáng mong chờ.
Trong khi đúng là các game quy mô nhỏ của hãng như Child of Light, Valiant Hearts: The Great War, South Park: The Stick of Truth,… đều được đánh giá rất tốt, Ubisoft lại cực kì gây thất vọng với các game AAA chủ lực của hãng. Đầu tiên là Watch Dogs, siêu phẩm mới được hứa hẹn là cạnh tranh với cả GTA V, nhưng khi ra mắt chỉ ở mức trung bình khá, chưa kể nhiều vấn đề kĩ thuật. Và bởi là một game chả có gì nổi trội mấy, người ta mới bắt đầu soi đồ họa của game và nhận ra nó chả đẹp mất và ấn tượng như các trailer E3 mà Ubi đã trình diễn. Và thực sự đây là khởi đầu cho cụm từ “Ubisoft Downgrade” nổi tiếng những năm 2010 khi gần như game nào của hãng ra mắt trông cũng xấu hơn hẳn trailer. Cũng vì thế mà giờ đây người ta cứ liên tục soi trailer và game khi chính thức ra mắt để xem chúng khác thế nào, khi Watch Dogs chính là lí do cho điều này.
Assassin’s Creed Unity, game được đón chờ bậc nhất của năm cũng khiến người ta quan ngại sẽ bị downgrade đồ họa tương tự như vậy. Khi game ra mắt thì rất may là vẫn giữ được nền đồ họa xuất sắc như của trailer. Có điều game bug glitch và thiếu ổn định đến mức không thể chấp nhận được, phốt mà đến giờ 10 năm sau người ta vẫn nhắc đi nhắc lại bởi độ thảm họa của nó khi ra mắt. Và cần nhấn mạnh một chút là dòng game AC luôn bug glitch tùm lum, nhưng riêng với AC Unity thì cộng đồng không thể bỏ qua được nữa. Và kể cả bỏ qua vấn đề thuật thì AC Unity vẫn là một nỗi thất vọng với nội dung không có gì nổi bật và gameplay cốt lõi bị cho là quá tương đồng và thiếu cải tiến so với các bản game trước, nên nhớ là thời điểm này AC vẫn phát hành hàng năm như COD hay FIFA. Thêm vào đó các yếu tố vốn là nhược điểm của các bản trước, nay lại tồi tệ hơn trong Unity như có quá nhiều thứ copypaste trên bản đồ, nhiệm vụ và nội dung quá lặp lại,… Và mỉa mai thay đây vẫn là những vấn đề mà các game học theo AC vẫn gặp phải cho đến giờ. Năm 2014 người viết cũng nhận ra là lần cuối một game AC thực sự được chào đón nồng nhiệt và có tầm ảnh hưởng văn hóa sâu đậm, bởi các game sau có thể bán chạy hơn nhưng không thể để lại dấu ấn và được nhắc nhiều trên mạng internet hay trong các cuộc bàn luận như các game trước đó.
Cuối cùng Far Cry 4 sau đó và được coi là sản phẩm AAA tử tế nhất của Ubi trong năm 2014. Dù vẫn là 1 game chất lượng cao, người ta cũng không ngại chỉ ra việc nó quá giống phần 3 trước đó với quá ít cải tiến và khác biệt, không khác gì DLC. Và đây là cũng điều người ta nhận ra trong năm 2014 đó, bởi cả Watch Dogs, Assassin’s Creed Unity và Far Cry 4 đều tiếp tục sử dụng công thức game thế giới mở đó của hãng. Về cơ bản thì người chơi leo tháp hay làm một yêu cầu nào đó để mở ra phần khu vực đó của map, các hoạt động và nhiệm vụ marker sẽ được hiển thị theo đó, trở thành một danh sách việc cho người chơi thực hiện bao gồm outpost/camp để giải phóng, động vật để săn bắt, các hoạt động bên lề,… Bởi vậy mà khi đó không chỉ AC lặp lại mà còn cả các game khác của Ubi cũng bắt chước theo, điều này thực sự khiến game thủ ngán ngẩm. Và riêng game thủ PC thì không thể chịu nổi Uplay được nữa. Cuối cùng tựa game đua The Crew cũng tiếp tục gây thất vọng khi chả có gì đặc sắc.
Không phải tự nhiên giờ đây người ta nói rằng game Ubisoft trăm game như 1 khi toàn là các game thế giới mở với marker chi chít trên bản đồ. Thêm vào đó hãng rất hiếm khi cải tiến đổi mới về chất lượng, bản đồ trong game ngày càng rộng và nhiều marker cùng nhiệm vụ hơn, thời lượng chơi ngày càng dài hơn đến mức phát ngán bởi độ lặp lại của các nội dung và nhiệm vụ. Các game thế giới mở vừa qua của hãng như Assassin’s Creed Mirage, Far Cry 6, Avatar: Frontiers of Pandora hay Star Wars Outlaws vừa qua cũng bị coi là về 1 cơ bản cùng một kiểu game trung bình khá. Thậm chí lượng nội dung copypaste trong nhiều game những năm qua của hãng gia tăng mạnh đơn giản là để buộc những game thủ mất kiên nhẫn bỏ tiền ra để skip thay vì mất thời gian cày cuốc. Suốt hơn 10 năm, hãng không hề cải tiến gì mấy như trước và vẫn tiếp tục duy trì mô hình làm game mà hãng thấy hiệu quả nhất, tạo ra tiếng xấu cho các game của hãng đến bây giờ. Điều này là hoàn toàn trái ngược với Ubi những năm 2000 và đầu 2010 khi hãng không ngừng sáng tạo, tự tạo ra xu thế thay vì bắt chước nơi khác.
Giờ đây công thức thế giới mở của Ubi có thể coi là công thức phổ biến nhất của thể loại này. Các game như Horizon Zero Dawn, Marvel’s Spider-Man, Ghost of Tsushima,… không những tận dụng thành công công thức này mà còn cải tiến vượt bậc khiến chúng trở nên độc đáo mới mẻ hơn. Cũng vì thế mà các game Ubisoft cũng không còn đặc biệt nữa khi rõ ràng đối thủ vượt trội về nhiều mặt.
Năm 2014 thực sự đánh dấu lần đầu tiên người viết và các game thủ thay đổi cách nhìn về Ubisoft, có thể coi đây là năm mà danh tiếng của hãng bắt đầu lao dốc không phanh cho đến tận bây giờ. Từ một hãng game uy tín với các sản phẩm cực kì sáng tạo và tham vọng, giờ đây hãng luôn chủ động làm game ở mức trung bình khá để đảm bảo là game thủ chán thì sẽ có thứ đốt thời gian thay vì được trải nghiệm tựa game đáng nhớ với những khoảnh khắc khó quên. Kiểu làm game này giờ đây đang thực sự để lại hậu quả cho hãng sau quá nhiều năm áp dụng không thay đổi. Và giờ đây nó cũng là vấn đề chung của ngành game khi hiếm hãng nào muốn mạo hiểm thử cái mới.
Nếu Ubisoft sống sót và vực dậy được trở lại, hãng cần nhớ lại rằng vì sao hãng trội dậy được trước kia.
Chia sẻ:
Nhận xét
Hãy vui vẻ trò chuyện cùng nhau, đừng toxic. Báo cáo hành vi xấu tại. Liên hệ